6 bước đơn giản chẩn đoán lỗi hệ thống mạng

Những giải pháp sau đây sẽ giúp bạn tìm được nguyên nhân và nhanh chóng khắc phục những vấn đề phát sinh trong hệ thống mạng của mình.
Khởi động lại thiết bị
Có thể nói, một trong những cách đơn giản và dễ dàng nhất để khắc phục vấn đề cho mọi thiết bị công nghệ mà bạn có thể thử trước tiên đó là khởi động lại thiết bị.
Trong hầu hết trường hợp, việc khởi động lại sẽ có thể khắc phục được nhiều lỗi hệ thống của thiết bị vốn đang bị treo, không hồi đáp hay bị quá tải. Ngoài việc thử khởi động lại máy tính, bạn cũng nên khởi động lại modem và router trong mạng. Nên đợi ít nhất vài phút trước khi cấp nguồn cho thiết bị trở lại để modem và router có thể xóa hẳn bộ nhớ cache.
Khởi động lại thiết bị là một trong những thao tác đầu tiên cần làm.
Sau khi khởi động máy tính cũng như các thiết bị khác trong hệ thống mạng, bạn có thể thử truy cập vào Internet bằng chính máy tính đó. Nếu không vào mạng được, hãy thử bằng máy tính khác hoặc một thiết bị di động. Nếu vẫn không vào mạng được thì giờ đây bạn có thể khoanh vùng lỗi xuất hiện từ các thiết bị mạng hay từ đường truyền của nhà cung cấp mạng ISP.
Trong trường hợp máy tính khác hay thiết bị di động có thể truy xuất mạng thì bạn có thể xác định lỗi xuất hiện trên máy tính cá nhân của mình. Lúc đó, bạn có thể thử qua giải pháp dùng phần mềm quét virus để kiểm tra máy tính có bị nhiễm virus hay malware không. Hoặc có thể dùng một trình duyệt khác để mở vài trang web.
Kiểm tra kết nối
Sau khi thử khởi động lại máy tính và các thiết bị trong hệ thống mạng, vấn đề lỗi có còn xuất hiện hay không? Nếu có, điều tiếp theo mà bạn cần kiểm tra xem là kết nối vật lý. Nếu bạn đang sử dụng cáp Ethernet để kết nối máy tính với router, hãy kiểm tra để đảm bảo rằng nó đang được gắn vào một cách chắc chắn hoặc không bị ai đó tháo ra. Nếu laptop của bạn có trang bị một công tắc chuyển đổi vật lý để bật/tắt chế độ kết nối không dây Wi-Fi (vị trí nút này tùy thuộc từng loại máy), hãy chắc chắn rằng nó không bị chuyển sang vị trí Off.
Kiểm tra dây cáp mạng đã được kết nối chắc chắn hay chưa.
Một khi đã kiểm tra kết nối, hãy xem qua tình trạng của các thiết bị mạng. Đèn tín hiệu trên router và modem có nhấp nháy màu xanh như bình thường hay không? Nếu không có bất kỳ đèn nào sáng lên sau khi khởi động, thiết bị có thể đã “chết”. Nếu thấy đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, hoặc đèn tín hiệu nguồn điện sáng nhưng không có kết nối, có thể đường truyền từ nhà mạng ISP của bạn có vấn đề.
Chạy trình Network Troubleshooter
Hệ điều hành Windows có tích hợp sẵn một số công cụ gỡ rối (Troubleshooter) có thể tự động tìm và sửa chữa nhiều vấn đề liên quan hệ thống, ổ đĩa hay kết nối mạng. Để chạy trình gỡ rối cho các vấn đề về kết nối mạng, hãy nhấn chuột phải vào biểu tượng Network trong khay hệ thống của Windows rồi chọn Troubleshoot Problems.
Trình Windows Network Diagnostics để chẩn đoán các vấn đề về hệ thống mạng.
Sau khi trình gỡ rối Windows Network Diagnostics chạy xong, có thể sẽ xuất hiện nhiều trường hợp: tìm thấy và khắc phục được vấn đề; tìm thấy vấn đề nhưng không giải quyết được; hoặc tìm không thấy bất kỳ vấn đề nào.
Nếu trình Troubleshoot phát hiện được vấn đề và có thể sửa lỗi, hãy thử kết nối lại ngay sau đó. Nếu bạn nhận được thông báo lỗi với tên cụ thể nhưng Windows không thể sửa chữa tự động, hãy lưu lại để tìm hiểu nghiên cứu cách khắc phục được phổ biến trên các trang công nghệ hay diễn đàn.
Kiểm tra địa chỉ IP hợp lệ
Sau khi đã thử qua các bước trên nhưng vẫn không vào mạng được, chúng ta có thể xác định rằng vấn đề không phải là tạm thời và chúng có liên quan đến phần cứng. Do Windows không thể khắc phục vấn đề này, chúng ta cần phải tự xác định nguyên nhân của vấn đề đang xảy ra.
Một trong những nguyên nhân thường xuyên gây ra vấn đề trong khi kết nối mạng chính là địa chỉ IP chưa được cấp chính xác. Do đó, tốt nhất là bạn nên đảm bảo rằng máy tính của mình đang được gán IP hợp lệ từ modem hay router.
Để kiểm tra điều này, hãy gõ cụm từ Network and Sharing Center vào Start Menu để mở tiện ích quản lý kết nối mạng. Ở bên phải, bạn sẽ thấy mục Connections, hãy nhấn vào liên kết có tên của kết nối mạng có dây hoặc Wi-Fi. Trong cửa sổ trạng thái của kết nối đã chọn, hãy nhấn vào nút Propertiestrong phần Activity và tiếp theo nhấn đúp vào Internet Protocol Version 4 (TCP/IP v4).
Thiết lập để Windows tự động nhận địa chỉ IP từ router.
Hãy đảm bảo rằng các tùy chọn “Obtain an IP address automatically” và “Obtain DNS server address automatically” đang được đánh dấu. Khi đó, hệ thống sẽ tự động được gán IP từ modem hoặc router một cách chính xác. Bạn có thể lặp lại các bước tương tự với địa chỉ IPv6 ở phần Internet Protocol Version 6 (TCP/IP v6).
Khi đã thực hiện các bước thiết lập trên, bạn có thể kiểm tra thêm để chắc chắn rằng máy tính đang được router cấp một địa chỉ IP hợp lệ. Hãy mở giao diện dòng lệnh Windows bằng cách gõ cmd vào Start Menu. Tiếp theo, gõ lệnh ipconfig và tìm thông tin bên dưới phần Ethernet adapter (đối với kết nối có dây) hoặc Wireless LAN Adapter (đối với kết nối không dây).
Nếu địa chỉ IPv4 có dạng 169.x.x.x thì có nghĩa là máy tính của bạn chưa được router cấp IP mà chỉ nhận được địa chỉ IP cục bộ của hệ điều hành. Hãy thử gõ lần lượt hai lệnh dưới đây trong giao diện cmd để giải quyết vấn đề: ipconfig /release và ipconfig /renew. Sau đó, nếu máy tính vẫn có địa chỉ IP dạng 169.x.x.x khi gõ các lệnh trên, hãy thử gắn dây mạng kết nối máy tính trực tiếp vào modem và xem có vào mạng Internet được không. Nếu vào được tức là router của bạn đã có vấn đề.
Chạy lệnh Ping và Tracert
Nếu địa chỉ IP bắt đầu bằng chuỗi số khác dạng 169.x.x.x khi chạy lệnh ipconfig theo hướng dẫn trên, điều đó có nghĩa là máy tính của bạn đã nhận được địa chỉ IP hợp lệ từ router và vấn đề có thể xảy ra giữa router với mạng Internet.
Trước hết, hãy thử gõ lệnh ping 8.8.8.8 đến các máy chủ DNS của Google để kiểm tra xem máy tính có thể kết nối được ra ngoài Internet hay không. Thao tác trên sẽ gửi 4 gói tin đến Google. Nếu thất bại, bạn sẽ nhận được thông báo gói tin nào gặp vấn đề trong khi gửi. Để biết thêm chi tiết, hãy gõ lệnh tracert 8.8.8.8 nhằm theo dõi đường đi của từng gói tin giữa máy tính của bạn và các máy chủ DNS của Google.
Lệnh ping và tracert để kiểm tra kết nối mạng có thông suốt hay không.
Về cơ bản, các lệnh trên sẽ cung cấp cho bạn thông tin các gói tin được gửi theo từng bước, biết được con đường mà chúng cần đi để đến đích. Khi chạy các lệnh trên, bạn có thể xem các gói tin có được gửi thành công hay không. Nếu không thành công, bạn có thể kiểm tra xem vấn đề đang xảy ra ở chỗ nào, trong mạng cục bộ hay ngoài mạng Internet.
Liên hệ nhà mạng ISP
Cho đến lúc này, các bước hướng dẫn ở trên đã giúp máy tính của bạn vào mạng Internet được hay chưa? Nếu đã hoàn thành tất cả các bước trên, kiểm tra các thiết bị đang hoạt động tốt, máy tính được gán địa chỉ IP hợp lệ từ bộ định tuyến và sau cùng phát hiện vấn đề đang xảy ra bên ngoài mạng Internet, lựa chọn tốt nhất tiếp theo mà bạn nên thực hiện là liên hệ ngay với nhà cung cấp mạng ISP để thông báo vấn đề.
Gọi ISP nhờ hỗ trợ khi sự cố xảy ra ngoài hệ thống mạng nội bộ của bạn.
Sau khi đã cho ISP biết về vấn đề này, tất cả những gì mà bạn có thể làm là chờ đợi. Trong hầu hết trường hợp, bạn không thể tự sửa chữa các vấn đề mạng liên quan đến đường truyền mà phải đợi nhân viên kỹ thuật của nhà cung cấp. Hay thậm chí trong các trường hợp đường truyền quốc tế bị gián đoạn vì một vài lý do gì đó, bạn có thể phải chờ đợi lâu hơn trước khi được kết nối trở lại.
Previous
Next Post »
Bình Luận Bằng Facebook